Mục lục
- 1. Kem chống nắng không có khả năng chống nắng phổ rộng
- 2. Kem chống nắng có chỉ số SPF quá thấp
- 3. Kem chống nắng có chỉ số PA thấp
- 4. Kem dưỡng ẩm chống nắng
- 5. Kem chống nắng có chứa các thành phần gây tổn thương, kích ứng da
- 6. Kem chống nắng dạng xịt cho da mặt
- 7. Kem chống nắng nâng tông
- 8. Kem chống nắng cũ hoặc hết hạn sử dụng
- 9. Kem chống nắng có hàm lượng cồn cao
- 10. Kem chống nắng không phù hợp với làn da bạn
1. Kem chống nắng không có khả năng chống nắng phổ rộng
Kem chống nắng phổ rộng là sản phẩm chăm sóc da có khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA, UVB và cả ánh sáng xanh. Trên bao bì của sản phẩm thường có thêm dòng chữ “Broad Spectrum” hoặc “Full Spectrum” hoặc “UVA Protect”.
Dù kem chống nắng có các thông số và thành phần chống nắng tốt đến đâu, chỉ số SPF cao ngất ngưởng mà không có khả năng chống nắng phổ rộng thì cũng chưa đủ mạnh để bảo vệ da.
Vì vậy không nên dùng các kem chống nắng không có khả năng chống nắng phổ rộng.
2. Kem chống nắng có chỉ số SPF quá thấp
SPF (tên đầy đủ Sun Protect Factor) tức chỉ số chống tia UVB, chỉ số SPF càng cao, khả năng bảo vệ làn da càng tốt.
Kem chống nắng có chỉ số SPF thấp sẽ không đủ khả năng bảo vệ da khỏi tia UVB. Theo các chuyên gia, nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu từ 30 trở lên, để dùng hằng ngày thì sản phẩm có SPF 30-50 là thích hợp.
Nếu hoạt động bên ngoài nhiều hoặc tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời thì bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống tia UVB từ 50 trở lên.
3. Kem chống nắng có chỉ số PA thấp
Chỉ số PA là chỉ số chống tia UVA do Hiệp Hội Mỹ Phẩm Nhật Bản công bố. PA thường được thể hiện bằng các dấu (+), càng nhiều dấu (+) càng chứng tỏ khả năng chống tia UVA tốt của sản phẩm.
Theo đó, PA+++ trở lên sẽ có thế chống tia UV lên đến hơn 90% trong thời gian trên 8 tiếng. Kem chống nắng có chỉ số PA thấp hơn sẽ không thể chống tia UVA lâu dài. Do đó, bạn nên sử dụng những sản phẩm có chỉ số PA bằng hoặc trên ngưỡng 3 (+) để bảo vệ da khỏi tia UVA.
4. Kem dưỡng ẩm chống nắng
Kem dưỡng ẩm chống nắng được xem là có hai công dụng: chống nắng, dưỡng ẩm. Tuy nhiên, kem dưỡng ẩm lại hoạt động theo cơ chế thẩm thấu sâu vào trong lớp biểu bì da còn kem chống nắng lại hoạt động theo cơ chế tạo lớp màng chống nắng, bảo vệ da nên sẽ ngăn cản các tác nhân làm ảnh hưởng đến làn da, kể cả các dưỡng chất cấp ẩm.
Khi kết hợp hai loại này vào trong cùng một sản phẩm sẽ không đem đến hiệu quả cao, thậm chí còn có khả năng gây bết dính, làm bít tắc lỗ chân lông, dễ lên mụn, dễ gây kích ứng.
5. Kem chống nắng có chứa các thành phần gây tổn thương, kích ứng da
Khi lựa chọn dùng loại kem chống nắng nào, dù da có nhạy cảm hay không, bạn cũng nên xem xét kỹ các thành phần có trong sản phẩm đó, bởi rất có thế khi sử dụng, kem chống nắng sẽ gây kích ứng, tổn thương da da.
Bạn không nên dùng sản phẩm có các chất như sau: Dioxybenzone, Meradimate, Ensulizole, Sulisobenzone, hương liệu, paraben, chất bảo quản,…
6. Kem chống nắng dạng xịt cho da mặt
Kem chống nắng dạng xịt hiện nay đang rất được ưa chuộng bởi tính nhanh gọn, tiện lợi. Tuy nhiên, nhược điểm khi sử dụng sản phẩm này là dễ bay hơi, khó ước lượng được lượng sản phẩm mình apply lên da là bao nhiêu, dẫn đến dùng quá liều lượng và gây lãng phí.
Thêm vào đó, nếu không cẩn thận có thể làm tổn thương mắt, hít phải chống nắng dạng xịt cũng có thể gây tổn thương phổi. Muốn sử dụng kem chống nắng dạng xịt cho da mặt, bạn nên sử dụng loại chuyên cho mặt, không sử dụng xịt chống nắng body lên da mặt vì sẽ rất dễ gây kích ứng. Đồng thời cần tuân thủ đúng cách dùng để mang lại hiệu quả tối ưu nhất, tránh ảnh hưởng đến mắt.
7. Kem chống nắng nâng tông
Kem chống nắng nâng tông có ưu điểm sẽ làm da bạn sáng và đều màu hơn, thậm chí có thể dùng thay thế lớp lót trang điểm.
Tuy nhiên, nếu sử dụng sản phẩm với một lượng lớn thì rất có thể sẽ gây bết dính, nặng mặt, bít tắc lỗ chân lông, mụn ẩn,… Do đó khi sử dụng dòng kem chống nắng nâng tone, bạn phải cực kì chú ý ở khâu tẩy trang kỹ sau khi dùng để tránh làn da gặp thương tổn.
8. Kem chống nắng cũ hoặc hết hạn sử dụng
Kem chống nắng cũ hoặc hết hạn sử dụng chắc chắn là các dòng kem chống nắng không nên dùng, vì lúc này hiệu quả chống nắng không còn được đảm bảo, đồng thời nguy cơ gây nên các tình trạng kích ứng, dị ứng cao hơn vì có thể các hoạt chất trong kem có sự biến đổi.
Hãy luôn kiểm tra kỹ hạn sử dụng trên bao bì cũng như hạn mở nắp để đảm bảo an toàn cho làn da của mình.
9. Kem chống nắng có hàm lượng cồn cao
Cồn là thành phần thường xuất hiện trong kem chống nắng để góp phần giúp kem bay hơi, nhanh khô. Tuy nhiên, nếu dùng ở các vùng da gần mắt có thể làm cay mắt, gây khó chịu. Ngoài ra, hàm lượng cồn cao trong kem chống nắng có thể làm mất độ ẩm tự nhiên trên da, làm khô da, nứt nẻ. Do đó khuyến cáo không nên dùng kem chống nắng chứa cồn, đặc biệt là những bạn da khô và nhạy cảm.
Thay vào đó hiện nay trên thị trường có nhiều kem chóng nắng không chứa cồn vẫn đảm bảo thấm nhanh và không gây bết dính cho da.
10. Kem chống nắng không phù hợp với làn da bạn
Kem chống nắng cho da dầu không nên dùng cho da khô và ngược lại vì nó sẽ không phát huy được hiệu quả chống nắng tốt nhất, thậm chí còn gây tổn thương da. Do đó hãy lựa chọn những loại kem chống nắng phù hợp với làn da bạn:
- Nếu bạn da khô, tránh sử dụng các sản phẩm có thành phần kiềm dầu, chỉ nên dùng các kem chống nắng có thành phần dưỡng ẩm.
- Còn nếu bạn da dầu, tránh dùng các sản phẩm kem chống nắng có chứa dầu, nên dùng các kem chống nắng oil-free.
- Bạn có da nhạy cảm thì nên tránh kem chống nắng có chứa hương liệu.